Tuyến tụy cùng với tuyến nước bọt là 2 cơ quan tiết ra enzyme amylase chủ yếu trong cơ thể của chúng ta. Khi tuyến tụy gặp vấn đề thì gần như chắc chắn nồng độ amylase sẽ thay đổi. Vậy chỉ số amylase máu sẽ tăng hay giảm trong viêm tụy cấp? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ở bài viết này nhé!
Nồng độ amylase sẽ tăng hay giảm ở người bệnh viêm tụy cấp
Amylase tuyến tụy là gì?
Amylase là một loại enzyme tiêu hóa có khả năng thủy phân mạch đường trong các phân tử carbohydrate như tinh bột hay glycogen. Enzyme amylase có bản chất là protein được sản xuất ra trong cơ thể từ tuyến tụy hoặc tuyến nước bọt.
Tụy là một tuyến nội tiết tiêu hóa với vai trò chính là sản xuất hormon và enzyme, men tiêu hóa để phục vụ cho các quá trình chuyển hóa hay phản ứng sinh hóa quan trọng. Tuyến tụy nằm ở trong khoang bụng, phía dưới gan, ở sau dạ dày, sau phúc mạc và sát vào thành sau của ổ bụng.
Tuyến tụy có kích thước tương đối nhỏ, khối lượng ở người trưởng thành chỉ nặng khoảng 80g. Ở người tụy thường có màu trắng nhạt còn ở một số loài động vật thì có màu hồng nhạt.
Trong cơ thể, tuyến tụy đóng góp rất nhiều vai trò quan trọng bao gồm cả ngoại tiết và nội tiết:
+ Vai trò ngoại tiết, tụy tiết ra nhiều men tiêu hóa quan trọng bao gồm: enzyme trypsin và chymotrypsin để tiêu hóa protein, enzyme amylase để phân giải carbohydrate và enzyme lipase giúp thủy phân chất béo lipid.
+ Vai trò nội tiết, tụy tiết ra các hormon giúp điều hòa nồng độ đường glucose trong máu ổn định ở mức an toàn: khi đường huyết tăng cao, tụy sẽ tiết ra hormon insulin để giảm đường huyết, còn khi đường huyết thấp, tụy sẽ sản xuất ra hormon glucagon để tăng đường huyết.
Amylase tuyến tụy sẽ được tiết ra khi có sự kích thích tương ứng, đó là sự có mặt của thức ăn chứa carbohydrate ở trong đường ruột. Amylase được tụy tiết ra sẽ theo ống dẫn dịch tụy đổ vào ống dẫn mật chung rồi đổ vào trong tá tràng để tiêu hóa thức ăn.
Amylase được tiết ra từ tuyến tụy đổ vào đường ruột
Tổng quan về bệnh viêm tụy cấp tính
Viêm tụy cấp là bệnh lý viêm nhiễm cấp tính xảy ra ở tuyến tụy. Tình trạng viêm nhiễm này xảy ra rất rầm rộ và tiến triển rất nhanh. Nếu không phát hiện sớm và xử lý kịp thời, tình trạng viêm sẽ trở nên nặng, ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận, thậm chí có thế dẫn đến tử vong.
Cơ chế gây ra bệnh viêm tụy cấp tính là do hoạt động bất thường của những enzyme tiêu hóa tại tuyến tụy phá hủy chính những tế bào và mô tụy. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do sự tấn công của vi khuẩn, virus, dùng nhiều đồ uống có cồn, sỏi mật, do chấn thương ở vùng tụy, sự rối loạn chuyển hóa hay do một số yếu tố tự miễn…
Người bệnh bị viêm tụy cấp sẽ có các biểu hiện triệu chứng đặc trưng như:
+ Đau bụng: đau với cường độ mạnh và dữ dội xảy ra một cách đột ngột ở vị trí thượng vị, thường xảy ra vào thời điểm sau bữa ăn hoặc sau khi uống bia rượu. Tình trạng đau bụng này nếu không tinh ý hay có kinh nghiệm sẽ rất dễ nhầm lẫn với đau dạ dày.
+ Chướng bụng, buồn nôn, có thể nôn ra dịch tiêu hóa hoặc thậm chí nôn ra máu.
+ Một số triệu chứng nặng có thể gặp phải là: tụt huyết áp, rối loạn ý thức, thiểu niệu…
Khi gặp phải một trong số những triệu chứng trên, người bệnh không được chủ quan mà nên đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời nếu phát hiện đúng bệnh. Tránh để lâu mà để tình trạng viêm nhiễm nặng có thể đe dọa đến tính mạng.
Xét nghiệm amylase giúp chẩn đoán bệnh viêm tụy cấp
Chỉ số amylase máu trong viêm tụy cấp tăng hay giảm?
Trong y học, để chẩn đoán được chính xác các bệnh lý thì không thể thiếu được các phương pháp xét nghiệm. Để chẩn đoán bệnh viêm tụy cấp tính, bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm đánh giá chỉ số amylase trong máu hoặc trong nước tiểu.
Khi bị viêm tụy cấp, chỉ số amylase của người bệnh sẽ cao hơn mức bình thường gấp nhiều lần:
+ Bình thường, nồng độ amylase trong máu sẽ dao động ở trong khoảng 22 – 80 U/L.
+ Khi bị viêm tụy, chỉ số amylase sẽ tăng cao và thường vượt qua mức 200 U/L.
Mặc dù hầu hết những trường hợp viêm tụy cấp sẽ tăng nồng độ amylase, tuy nhiên có một số trường hợp đặc biệt mà tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở những tế bào sản xuất amylase thì nồng độ enzyme này sẽ giảm xuống mức rất thấp.
Ngoài amylase, chúng ta có thể chẩn đoán được bệnh viêm tụy cấp thông qua xét nghiệm lipase. Tương tự như chỉ số amylase, nồng độ lipase trong huyết thanh của người bệnh cũng sẽ tăng cao gấp nhiều lần.
Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể làm đồng thời cả 2 xét nghiệm này để đánh giá chính xác nguy cơ mắc viêm tụy cấp tính ở người bệnh.
Hy vọng rằng những thông tin bổ ích trong bài viết vừa rồi đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về “sự thay đổi của chỉ số amylase trong viêm tụy cấp”. Để tìm hiểu thêm về nhiều kiến thức khác xin vui lòng truy cập vào địa chỉ https://biogreenjsc.com.vn/tin-tuc/